“Cậu Giời” và kiêu binh

Lê Trọng Hiệp

Xem tấm hình “Tổ tuần tra lưu động xử lý mại dâm” của Công an Hà Tĩnh thì những người có một chút kiến thức căn bản về lịch sử nước nhà sẽ liên tưởng ngay đến “Cậu Giời” Đặng Mậu Lân.

Ngày 7.3.2017 báo điện tử VTC đăng bản tin Lập chốt xóa tụ điểm mại dâm trên ‘quốc lộ sung sướng’ ở Hà Tĩnh.

clip_image002

Tổ tuần tra lưu động Xử Lý Mại Dâm

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh vừa lập chốt, ra quân với quyết tâm xóa bỏ tụ điểm mại dâm “động voi” trên quốc lộ 1A ở hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.

Với chiều dài chỉ gần 2km nhưng hơn 20 năm qua, tệ nạn mại dâm dưới hình thức trá hình là quán ăn, quán cà phê trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên và xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn diễn ra tràn lan.

Theo đó, các chủ quán trên địa bàn đã móc nối với một số người ở địa phương khác, nhất là các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An để tìm kiếm, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có trình độ học vấn thấp ở vùng dân tộc, bỏ học xuống phục vụ quán ăn, quán cà phê. Sau đó, ép làm gái mại dâm phục vụ khách.

Trước thực trạng này, đầu tháng 2/2017, Công an Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công an huyện Kỳ Anh phối hợp với cán bộ 2 xã Cẩm Minh và Kỳ Phong ra kế hoạch quyết tâm đẩy lùi, xóa bỏ tệ nạn mại dâm trên địa bàn.

Trước chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an huyện Kỳ Anh đã thành lập tổ công tác đặc biệt, với 12 cán bộ chiến sĩ, thuê nhà dân lập chốt cắm tại địa bàn, phối hợp với Công an xã Kỳ Phong, tiến hành tuần tra lưu động, kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động mại dâm tại các tụ điểm.

Nếu ngày nay chế độ ta có tổ “tuần tra lưu động xử lý mại dâm” với chiếc xe nhỏ bít bùng thì ngày xưa, trong thế kỷ 16 dưới thời chúa Trịnh, nước ta từng có tổ “hiếp dâm lưu động”.

Tổ này là của Đặng Mậu Lân, em cưng của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, mà Huệ là thiếp yêu của Tỉnh Đô vương Trịnh Sâm. Lân là kẻ côn đồ vô học, cậy thế chị làm nhiều trò “trời không dung, đất không tha”. Lân tự xem mình là “Giời” (ông Trời) nên xưng là “Cậu Giời”.

Thời ấy “Cậu Giời” không có xe bít bùng (dĩ nhiên) nhưng có cách che kín khác, rất gọn nhẹ là “quây màn trướng”. Xin trích một đoạn thuộc hồi thứ nhất trong bộ ký sự lịch sử mang tên Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô gia văn phái về Lân:

Đặng Mậu Lân này vốn là một tên hung bạo, từ khi Thị Huệ được chúa yêu dấu Lân lại càng ỷ vào thế chị để làm những việc càn rỡ. […] . Thường ngày, Lân vẫn đem theo vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu, Lân xẻo luôn đầu vú. Chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc cũng có người bị đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói”.

Năm 1782 Trịnh Sâm qua đời và đứa con trai cưng của ông ta với thứ phi Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán lên ngôi. Trịnh Cán lúc ấy chỉ mới 6 tuổi và mọi việc đều do Đặng Thị Huệ sắp đặt với sự hỗ trợ của Quận Huy Hoàng Đình Bảo trong vai trò phụ chính. Tuy nhiên chỉ một tháng sau thì con trưởng của Trịnh Sâm là Trịnh Khải đảo chính. Khải thông đồng với lính “Tam phủ” nổi lên giết Quận Huy, Đặng Thị Huệ bỏ trốn nhưng bị bắt và bị làm nhục đủ điều, sau phải tự tử. Riêng Đặng Mậu Lân thì bị bắt bỏ ngục nhưng không cho ăn, sau chết vì đói trong tù.

Nhưng nếu “Cậu Giời Lân” bị bỏ tù thì lúc này lại xuất hiện các “Cậu Giời” khác mà sử sách gọi là “kiêu binh”. Đó là quân cấm vệ chủ yếu tuyển mộ từ ba phủ là Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, là nơi mà nhà Hậu Lê và nhà Trịnh phát sinh. Cậy mình có công đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa, các “kiêu binh” này thường kéo đến các hàng quán, chợ búa, bến đò dở trò sách nhiễu, vòi vĩnh hay ăn quỵt hay gây sự đánh nhau khiến dân chúng oán ghét cùng cực.

Năm 1786 quân Tây Sơn tiến ra Bắc, đi đến đâu quân Trịnh tan tác đến đó và lúc này các kiêu binh phải tìm đường trở về cố hương. Nhưng bị dân chúng căm hận đã lâu nên hễ nghe bất cứ ai nói giọng Thanh Nghệ là tóm cổ lại đánh đập trả thù nên vậy các “Cậu Giời” bây giờ phải hạ mình như là loài cóc, loài nhái, đi thì phải đi đường tắt và ban đêm, thấy người thì lẩn trách, còn phải giả câm sợ lộ giọng nói.

Nhưng đừng tưởng rằng như vậy là tuyệt giống “Cậu Giời”, “cậu” theo phong cách Đặng Mậu Lân hay “cậu” theo lối kiêu binh.

Mỗi thời mỗi kiểu “mười phân vẹn mười”. Cậy có các thế lực chính trị to hay nhỏ bao che, thời đại này cũng có những “Cậu Giời” tiêu biểu của mình!

Cậu Giời cậy có ô dù

Thời đại này có ai dám hãm hiếp đàn bà con gái theo lối của Lân hay không?

Dĩ nhiên, về mặt “hiện tượng” thì chẳng con quỹ dâm dục nào dám “quây màn trướng” giữa đường giữa chợ, nhưng về bản chất vẫn thì chẳng khác gì “cậu Lân” ngày xưa. Thí dụ như “Cậu Giời” Trịnh Xuân Hoàng.

Hoàng sinh năm 1960, hỗn danh “Hoàng lựu đạn”, nguyên là cán bộ Chi cục Cục kiểm lâm Tỉnh Bình Dương. Chỉ là cán bộ kiểm lâm thôi nhưng Hoàng nhờ thói côn đồ, Hoàng quy tụ một đán đàm em và nhờ sự dung dưỡng của thế lực công an - chính trị địa phương, y hành xử không thua gì một “Cậu Lân” ngày xưa.

Cầm đầu một băng cô hồn cắc đảng y lê la nhậu nhẹt tại các quán bình dân, nếu thấy nữ tiếp viên nào vừa mắt thì Hoàng hạ lệnh đàn em bắt về khách sạn để hắn thỏa mãn sinh lý, bất kể họ đã có chồng con. Không kể số phụ nữ do đàn em bắt vê cho mình, đích thân Hoàng đã bắt cóc 11 cô.

Hỏi sao các cô này không dám chống cự? Vì Hoàng hành xử như là nước Việt Nam không có pháp luật: Trên có ông Trời, dưới có... cậu Hoàng.

Ai không biết uy của Hoàng mà bày đặt chống cự, Hoàng sẽ hành hạ khiến họ lâm vào cảnh dở sống dở chết. Trong số này có vợ chồng bà chủ quán T: chỉ vì dám cự cãi với đàn em của Hoàng nên bà ta bị Hoàng buộc phải hầu rượu, hầu tình cho mình suốt một thời gian dài. Thậm chí, Hoàng buộc chồng cô phải mang tiền đến thanh toán cho bàn nhậu của mình, bằng không sẽ bị đốt nhà, phá quán...

Báo chí Việt Nam cho biết một lần đi nhậu, thấy chị H. là một tiểu thương ngồi ở bàn bên cạnh khá bắt mắt, Hoàng sang làm quen, xin số điện thoại nhưng bị từ chối. Ngày hôm sau khi chị H. đang bán hàng, Hoàng gọi điện bảo đến khách sạn nói chuyện nhưng chị cương quyết không đến, thế là Hoàng cho đàn em đến phá phách rồi ép chị H. đến khách sạn phục vụ sinh lý. Không chỉ một lần đó mà sau này, lúc nào Hoàng cần là chị phải tự đến, nếu không sẽ có đàn em đến lôi cổ về cho mình hiếp.

Rõ ràng là Hoàng không thể nào tự tung tự tác trong một thời gian dài mà không có sự bảo vệ của công an địa phương. Nhưng y đã đi quá mức giới hạn và vì dính líu đển băng nhóm Năm Cam, nên Hoàng mới bị tóm và đưa ra tòa. Năm 2003 Hoàng bị phạt 22 năm rưỡi tù với các tội hiếp dâm, cướp bóc và giam người trái pháp luật, trong đó riêng tội hiếp dâm đã đến 15 năm. Đến lúc này báo chí nhà nước mới thông tin về những tội ác của Hoàng.

Cuối năm 2014 sau hơn mười năm thụ án Hoàng được ân xá nhờ “cải tạo tốt” và bệnh. Y qua đời tháng Tư năm 2016.

Bây giờ có thể có những “Cậu Giời” nào khác tương tự hay không?

Chắc chắn là có. Chủ tịch tỉnh là người đứng đầu một tỉnh, giống như một vị phó vương thế mà vẫn có kẻ làm nghề hút cát trộm khiến Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu Thủ tướng, kẻ này chắc chắn có thể muốn làm gì thì làm, còn hơn cả Hoàng lựu đạn. (Cầu trời rằng những tên đạo tặc hút cát trộm này không có máu gian dâm. Nếu có thì quả là tội cho các chị em vùng quê quan họ!)

Và nếu Hoàng là một thứ “Cậu Giời côn đồ” thì còn có những “Cậu Giời văn minh” khác, thí dụ như Nguyễn Thanh Nghị, Vũ Quang Hải v.v.. Những “cậu” chẳng có kinh nghiệm và thành tích quản lý nào cả nhưng đùng một cái là trở thành thứ trưởng hay phó giám đốc. Nhưng đây là một đề tài khác, còn bây giờ hãy bàn tiếp các “Cậu giời kiêu binh”, là những cậu được cưng vì có công và tác oai tác quái vì cậy mình có công!

Cậu Giời cậy có công

Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3.2017) mạng xã hội Facebook lan tràn hai tấm ảnh công an (không rõ ở đâu) đánh phụ nữ tại trụ sở.

clip_image004

Ai cũng đặt vấn đề: Bộ Công an không thể né tránh sự thật mà phải làm theo lời Tổng Bí thư là phải “nhìn thẳng vào sự thật”.

clip_image006

Tuy nhiên Bộ này có một quan niệm hơi khác về sự thật, qua bản tin đăng tải 10 ngày sau đó,

Ngày 18.3.2017 báo điện tử VnExpress đăng bản tin Truy tìm người tung tin ‘phó công an huyện đánh người của Lam Sơn:

“Ngày 18/3, đại tá Phạm Văn Hội, người phát ngôn Công an tỉnh Ninh Bình, cho biết cơ quan điều tra đang truy tìm người tung tin thiếu tá Bùi Hồng Minh, Phó trưởng Công an huyện Gia Viễn, đánh người tại cơ quan. “Thông tin lan truyền trên mạng xã hội là vu khống. Công an tỉnh đang truy tìm người tung tin này”, đại tá Hội nói.

Ngày 11/3, một tài khoản Facebook đăng tin “Đã tìm được kẻ hành hung phụ nữ” kèm 3 tấm hình. Trong đó có một tấm chân dung thiếu tá Bùi Hồng Minh, hai tấm còn lại là hình người đàn ông mặc quần áo giống cảnh phục công an đang đấm, đạp một phụ nữ.

Sau khi thông tin này lan truyền, thiếu tá Bùi Hồng Minh đã làm đơn đề nghị Công an tỉnh Ninh Bình làm sáng tỏ vụ việc. Thiếu tá Minh khẳng định hình ảnh người mặc đồ giống công an đang túm tóc, đạp một phụ nữ không phải mình. Tấm hình chân dung xuất hiện trên mạng được chụp khi anh còn mang cấp bậc đại úy, là ảnh kèm bài viết gương điển hình đấu tranh phòng chống tội phạm đăng trên một tờ báo hồi tháng 6/2016.

Đại tá Lã Hồng Phúc, Trưởng công an huyện Gia Viễn, cho biết những hình ảnh đăng tải trên mạng không phải là trụ sở đơn vị. Công an huyện không đặt lá cờ Tổ quốc ở góc phòng. Người đàn ông đánh phụ nữ trong hình mặc quần áo “không phải của lực lượng công an, vì túi áo không giống, đai quần màu tối, không như cảnh phục của ngành”.

Tại sao Bộ Công an không “vào cuộc” ngay từ đầu để làm rõ trắng đen về tấm hình trên: Đây là hình thật hay hình ngụy tạo bằng photoshop? Nếu là photoshop thì ai là tác giả? Còn nếu là hình thật thì ai là thủ phạm?

Nhưng Bộ vẫn im lặng, mãi đến khi ai đó chỉ đích danh là ông Thiếu tá Phó trưởng Công an huyện Gia Viễn ở Ninh Bình, công an tỉnh này mới giãy lên đành đạch, bảo là không phải.

Câu chuyện này sẽ khiến những người có chút ít kiến thức văn học liên tưởng đến đoạn mở đầu trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao:

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: ‘Chắc nó trừ mình ra!’. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?

Từ đây chúng ta có thể suy đoán hai khả năng.

Thứ nhất, toàn ngành công an cũng suy nghĩ như dân làng Vũ Đại: ‘Chắc nó trừ mình ra!’.

Do đó chỉ khi chỉ đích danh là mới chấp nhận... mỏi miệng!

Thứ hai, với công an thì đánh người là chuyện bình thường, là luật hay lệ bất thành văn.

Hiện tại chuyện “công an đánh người” không chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” mà cả ở tỉnh, thậm chí ngay giữa ở thủ đô, và ngay giữa đường, ngoài phố.

Bất kể sự rõ ràng “trăm nghe không bằng một thấy” trong video clip về cảnh công an đạp vào mặt người biểu tình ngày 17.7.2011 tại Hà Nội, Công an Hà Nội vẫn lu loa là “ không có căn cứ xác định” anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông”.

clip_image008

Kể ra những chuyện như vậy chẳng có gì khó hiểu. Sự an toàn của chế độ quan trọng hơn sự sống còn của Tổ quốc. Công an là lực lượng bảo vệ chế độ, do đó chế độ cần phải bao che họ, cả khi ra tay hành hung người bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

clip_image010

Với sự bảo vệ này họ trở thành một thứ kiêu binh mà hậu quả là vô số các vụ “tự té”, “đột quỵ” hay “tự tử” diễn ra ngay tại trụ sở công an!

Nhưng vấn đề xa hơn là, qua những câu chuyện kể trên, chúng ta cần đặt ra là năng lực của “chính quyền”.

Năng lực của chính quyền

Khi chính quyền đẻ ra quá nhiều kiêu binh và “Cậu Giời” - “cậu côn đồ” hay “cậu văn minh” - thì đó là một chính quyền bất lực. Một thứ chính quyền chẳng ra... chính quyền.

Thứ nhất, nó hoàn toàn bất lực và hoàn toàn mất tinh thần trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.

Nó mất tinh thần đến độ “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”, cấm đoán cả việc tưởng niệm những tử sĩ đã bỏ mình cho sứ mạng bảo vệ chủ quyền.

Mất tinh thần nên nó mất luôn cả liêm sỉ, không từ bất cứ thủ đoạn, từ vũ lực đến mắm tôm thối hay những tân Chí Phèo để phá bĩnh những việc làm hoàn toàn bình thường như tưởng niệm nguời đã bỏ mình vì nước!

Thứ hai, nó hoàn toàn bất lực trong việc quản trị tài nguyên.

Chỉ là một bọn hút cát trộm thôi mà đến chủ tịch tỉnh không thể giải quyết, thậm chí run sợ, phải cầu cứu Thủ tướng.

Thứ ba, đó là một “chính quyền” hoàn toàn thiếu vắng yếu tố chính” và yếu tố “quyền”.

Quyền hạn của chính quyền thể hiện qua luật lệ, qua năng lực tính tổ chức. Thế nhưng hiện tại không chỉ có mỗi một lời cầu cứu của Chủ tịch Bắc Ninh. Gặp bí, từ lâm tặc phá rừng đến cường hào thành thì, địa phương nào, ngành nào cũng cất lời cầu cứu Thủ tướng.

Nhưng rõ ràng nó vẫn hoàn toàn có “quyền” và hành xử “quyền” ấy. Thí dụ “quyền” đạp vào mặt người dân và “quyền” phủ nhận hành vi này; quyền dung dưỡng bọn tân Chí Phèo để phá rối và ném mắm tôm vào những ai dám bày tỏ lòng yêu nước.

Nói mãi cũng không hết những trò thối của nó. Gọn nhất, hay nhất, để chính danh thì có lẽ chúng ta nên gọi đó là “tà quyền” hay “ngụy quyền”.

L.T.H.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn